Sự sống ngoài hành tinh sắp được tìm thấy ở nơi nào trong vũ trụ?

Theo các nhà khoa học tại Đại học Rutgers, cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh có thể có phát hiện mang tính đột phá. Nguyên do là bởi các ngoại hành tinh nhiều khả năng tồn tại nước lỏng – thành phần thiết yếu của sự sống.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia đã và đang nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh tại một số địa điểm trong vũ trụ rộng lớn. Tuy nhiên, để chứng minh con người không đơn độc trong vũ trụ, giới khoa học gặp khá nhiều khó khăn.

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Rutgers công bố một phát hiện mới. Họ cho hay nhiều khả năng xuất hiện nước lỏng trên các ngoại hành tinh, ngay cả trong trường hợp chúng có lớp vỏ ngoài băng giá.

Như chúng ta đã biết, nước lỏng là một trong những thành phần thiết yếu để gieo mầm sự sống trên Trái đất. Do vậy, phát hiện này được xem là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

Để đi đến nhận định trên, nhóm chuyên gia do Giáo sư Lujendra Ojha dẫn đầu đã nghiên cứu các hành tinh được tìm thấy xung quanh loại sao phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta, sao lùn đỏ (còn gọi là sao lùn M).

Theo các nhà khoa học, sao lùn đỏ nhỏ hơn và mát hơn so với Mặt Trời. Vậy nên, các hành tinh trong hệ sao này phần lớn cấu thành từ đất đá tựa Trái Đất và bề mặt là nước bị đóng băng.

Những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra Trái đất cũng ở trong tình trạng như trên vào khoảng vài tỷ năm trước. Khi ấy, nước ở thể lỏng trên bề mặt hoàn toàn đóng băng. Tuy nhiên, bên dưới lớp bề mặt, một lượng lớn nước lỏng vẫn được duy trì.