Tại LHQ, Tổng thống Ukraine nêu lý do phải chấm dứt xung đột với Nga

Được ưu tiên bởi các thành viên LHQ, ông Zelensky là nhà lãnh đạo thế giới thứ 12 phát biểu trong ngày khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ.
Tại LHQ, Tổng thống Ukraine nêu lý do phải chấm dứt xung đột với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tranh thủ bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, để thể hiện “rất rõ ràng” rằng Ukraine cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, bài phát biểu khó có thể lay chuyển quan điểm của các quốc gia vẫn trung lập.

Phát biểu từ trụ sở LHQ ở New York sau khi Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 78 khai mạc, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện sự đoàn kết trước “sự gây hấn liên tục của Nga ở Ukraine”, và rằng Moscow phải bị đẩy lùi để thế giới có thể chuyển sang giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách.
Được ưu tiên bởi các thành viên LHQ, ông Zelensky là nhà lãnh đạo thế giới thứ 12 phát biểu hôm 19/9. Cuối cùng, ông đã lên sân khấu sau hơn 5 giờ phát biểu của 9 vị Tổng thống, Quốc vương Jordan và tiểu vương Qatar.
Bài phát biểu này của Tổng thống Ukraine cho thấy một bước chuyển so với bài phát biểu được ghi âm trước của ông tại chính sự kiện cấp cao toàn cầu này năm ngoái, khi ông ở lại thủ đô Kiev để nhấn mạnh sự phản kháng của Ukraine.
Bước chuyển trong cách tiếp cận ngoại giao
Sự hiện diện của ông Zelensky lần này đã thể hiện một cách tiếp cận ngoại giao trực tiếp hơn của Ukraine với các đồng minh, đối tác và các nước lớn khác trên thế giới, như Ấn Độ và Brazil – những nước phần lớn vẫn đứng bên lề cuộc xung đột.
Phóng viên Mike Hanna của Al Jazeera, đưa tin từ trụ sở LHQ chiều hôm 19/9, cho biết ông Zelensky đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng để thể hiện “rất rõ ràng” rằng Ukraine cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, bài phát biểu khó có thể lay chuyển quan điểm của các quốc gia vẫn trung lập, phóng viên của Al Jazeera cho biết.
“Tại một số nước Nam bán cầu, công chúng cũng bất bình về lượng thời gian mà LHQ dành cho vấn đề Ukraine mà họ tin rằng gây bất lợi cho các vấn đề mà Nam bán cầu đang phải đối mặt”, phóng viên Mike Hanna nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ, ngày 19/9/2023. Ảnh: The Guardian
Rõ ràng, cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine đã “chiếm sóng” ngày đầu tiên của Phiên Thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng LHQ, với việc một số nhà lãnh đạo thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp viện trợ nhân đạo và an ninh trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu hồi tháng 2 năm ngoái.
Nhưng trong bài phát biểu tại LHQ hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden dành rất ít thời gian nói về cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, cũng như những thách thức mà quốc gia Đông Âu này phải đối mặt – khác xa với bài phát biểu năm ngoái.
“Chỉ Nga mới có khả năng chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức, và chính Nga cũng đang cản trở hòa bình”, ông Biden nói, đổ lỗi cho Moscow về cuộc chiến.
“Nếu chúng ta cho phép Ukraine bị chia cắt, liệu an ninh của bất cứ quốc gia nào có được đảm bảo không?”, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm, nhận được tràng pháo tay đầu tiên từ Đại hội đồng.
Trong khi ông Biden phát biểu, Đặc phái viên của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, được nhìn thấy đang lướt qua điện thoại của mình, còn ông Zelensky, ngồi cạnh một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao Ukraine, hoan nghênh các bình luận của Tổng thống Mỹ.
Trong khi ông Biden phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Đặc phái viên của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, được nhìn thấy đang lướt qua điện thoại của mình. Ảnh: The Guardian

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, Tổng thống Zelensky dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (UNSC) về Ukraine hôm 20/9. Trước đó, trong bài phát biểu hôm 19/9, ông Zelensky cho biết, ông dự định đưa kế hoạch hòa bình Ukraine – đã được hầu hết các nước tại LHQ thông qua – tới cuộc họp hôm 20/9.

Rất có thể đây sẽ là một trong những lần đầu tiên các nhà ngoại giao Ukraine và Nga ngồi cùng bàn kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ hơn 18 tháng trước.
Lý do nên tiếp tục hỗ trợ
Tổng thống Ukraine sau đó sẽ tới Washington, DC vào ngày 21/9 để gặp Tổng thống Biden. Ông cũng sẽ đến thăm Điện Capitol, nơi các nhà lập pháp phải đối mặt với hạn chót là ngày 30/9 để thông qua dự luật chi tiêu liên bang, trong đó sẽ bao gồm viện trợ thêm cho đất nước đang chìm trong xung đột trên lục địa châu Âu.