NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

Những câu hát “Em tan trường về, anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở. Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ…” đã quen thuộc với công chúng gần nửa thế kỷ qua. ​
Thế nhưng, người đẹp tên Ngọ trong ca khúc là ai, vẫn còn gây tò mò cho không ít người hâm mộ. Phía sau những lời thầm thì ấy, tất nhiên là một mối tương tư không dễ giãi bày!
Nhà thơ Phạm Thiên Thư năm nay đã 78 tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Mỗi ngày, ông vẫn ngồi ở cái bàn góc khuất quán cà phê trò chuyện rôm rả cùng bạn bè và tri âm.
Thật khó hình dung, một người có vóc dáng gồ ghề như Phạm Thiên Thư lại có thể viết ra những câu thơ mỏng manh và đắm đuối như “Ngày xưa Hoàng Thị”.
Chính nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng thú nhận đã từng đi tu hơn 10 năm rồi hoàn tục cưới vợ sinh con nên thơ của ông cộng hưởng chất thiền và duyên trần: “Tôi là cháu của nhà cách mạng Hào Lịch nổi tiếng Thái Bình. Bố tôi vừa làm thuốc Nam, vừa làm liên lạc cho ông Hào Lịch. Chúng tôi bị giặc Pháp khủng bố gắt gao, nên trôi dạt nhiều nơi. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hải Dương. Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Sài Gòn”.
Con đường đến với thi ca của Phạm Thiên Thư cũng rất tình cờ, bởi ông là người luôn có chí hướng lánh xa chen lấn thị phi. Năm 1968, chàng trai 28 tuổi Phạm Kim Long lấy bút danh Phạm Thiên Thư để in tập thơ đầu tay vỏn vẹn 500 bản.
Sự thành công giai đoạn khởi nghiệp, được thi sĩ Phạm Thiên Thư nhìn nhận đơn giản: “Tiền nhuận bút tôi đem đi giúp anh em khó khăn và bệnh tật. Tôi cũng không ngờ nhiều người thích thơ tôi, nên thuộc với nhau”.